Bản tin MXV Năng lượng 18/05: Lần đầu tiên kể từ tháng 05/2010, giá dầu WTI cao hơn giá dầu Brent
01:46 SA @ Thứ Tư - 18 Tháng Năm, 2022

Giá dầu thế giới đảo chiều giảm lại trong ngày giao dịch 17/05, đúng với những gì chúng tôi đã dự báo trước đó, khi giá đã lên tới các kháng cự quan trọng của khoảng giao dịch đi ngang đã kéo dài trong hơn 2 tháng qua, kết hợp với một số tin tức mới “bearish”. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 6 đã chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp với mức giảm 1,6% xuống còn 112,4 USD/thùng, và giá dầu Brent tháng 7 giảm 2,0% xuống còn 111,9 USD/thùng.

Điểm đáng chú ý là giá dầu WTI (kỳ hạn gần nhất) đang có giá cao hơn so với dầu Brent, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2010 tới nay. Nguyên nhân đến từ việc giá xăng RBOB tại Mỹ tăng lên mức cao nhất lịch sử trong vài ngày qua, đã hỗ trợ giá dầu của Mỹ tăng mạnh hơn so với các loại dầu khác. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, giá dầu Brent thường cao hơn từ 2 – 3 USD/thùng so với dầu WTI. Hiện tượng bất thường này đang khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi “Liệu lịch sử có lặp lại?”, khi giá dầu thế giới đã tăng vọt sau năm 2010 và giá dầu WTI cao hơn Brent.

Ngày hôm qua, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell đã nhấn mạnh quyết tâm giảm lạm phát nhưng cảnh báo nền kinh tế có thể sẽ chịu tổn hại sau đó. FED sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát giảm một cách rõ ràng. Các tuyên bố có phần tiêu cực của chủ tịch FED đã tạo ra tâm lý lo ngại về triển vọng kinh tế kém khả quan hơn, đã gây áp lực lên giá dầu.

Bên cạnh đó, các thông tin xoay quanh Trung Quốc và EU đang không có gì đặc biệt và thị trường vẫn đang tập trung chờ đợi các diễn biến tiếp theo. Ủy ban liên minh châu Âu hôm qua đã công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ USD để khối này có thể dừng việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu từ Nga kể từ năm 2027. Kế hoạch này bao gồm 3 mũi nhọn: chuyển sang nhập khẩu nhiều khí đốt từ các nguồn cung khác, phát triển nhanh hơn các nhiên liệu tái tạo và nỗ lực tiết kiệm năng lượng . Tuyên bố này nghe có vẻ cứng rắn, nhưng lại cho thấy thực tế rằng, EU sẽ chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong ngắn hạn. Điều này sẽ khiến khả năng EU sớm ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga trở nên khó xảy ra hơn và là thông tin “bearish” đối với dầu, bởi kỳ vọng vào lệnh cấm này là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá dầu lên cao trong thời gian gần đây.

Mở cửa sáng nay, giá dầu đang có dấu hiệu tăng trở lại sau các số liệu từ Viện dầu khí Mỹ (API). Theo đó, API dự báo tồn kho dầu thô tại Mỹ sẽ giảm 2,4 triệu thùng và tồn kho xăng giảm 5,1 triệu thùng trong tuần trước. Các số liệu này có thể sẽ tạo động lực tăng trên thị trường dầu, ít nhất cho tới trước 21:30 tối nay, khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra các số liệu có tính chính thức cao hơn về tồn kho xăng dầu tại Mỹ trong tuần trước. Trong bối cảnh các thông tin đang rất nhạy cảm và chưa rõ ràng, số liệu tồn kho này có thể sẽ mang đến luồng gió mới và khiến thị trường biến động mạnh hơn.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Trên biểu đồ kĩ thuật, giá dầu WTI vẫn chưa có tín hiệu đảo chiều thực sự rõ ràng, nhưng lực bán ở kháng cự vùng 116 sẽ rất mạnh và chúng tôi cho rằng giá sẽ khó vượt được vùng này trong ngắn hạn. Việc giá WTI cao hơn Brent có thể sẽ khiến thị trường WTI có nhiều lực bán hơn trong vài ngày tới. Các chỉ báo kĩ thuật vẫn chỉ đang “bullish” nhẹ và có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào. Vì thế, với hình thái thị trường như hiện nay, có thể xem xét mở bán dầu WTI khi giá lên vùng 115 USD/thùng với kỳ vọng chốt lời từ 5 – 7 USD và tỉ lệ lợi nhuận/rủi ro là 2/1.

Nguồn: