Kết thúc tuần giao dịch 12/12 – 18/12, sắc xanh bao phủ toàn bộ các mặt hàng trong nhóm năng lượng. Dầu thô đã trải qua một tuần với những biến động mạnh mẽ từ cả yếu tố cung cầu và yếu tố vĩ mô. Giá dầu WTI chốt tuần ở mức 74,29 USD/thùng sau khi tăng 4,6% so với tuần trước, giá dầu Brent tăng 3,86% lên mức 79,04 USD/thùng.
Dầu thô đã nhận được động lực tăng mạnh mẽ ngay từ các phiên đầu tuần trước các rủi ro từ nguồn cung, khi TC Energy, công ty quản lý đường ống Keystone phân phối dầu kỳ hạn tại Mỹ, dù nỗ lực khắc phục sự cố tràn dầu từ tuần trước đó, nhưng vẫn chưa đưa ra thông báo kế hoạch khởi động lại đường ống dẫn dầu lên tới 600.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, hai báo cáo quan trọng hàng đầu trên thị trường dầu trong tháng 12 từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đã thúc đẩy lực mua đối với dầu thô. Sản lượng dầu của nhóm OPEC trong tháng 11 giảm 744.000 thùng/ngày xuống 28,83 triệu thùng/ngày, với sản lượng của 10 nước tham gia thỏa thuận sản xuất thấp hơn mức hạn ngạch cam kết. Trong khi đó, góc nhìn từ phía IEA tập trung hơn vào triển vọng nhu cầu sẽ khởi sắc trong năm tới. Cơ quan này đã điều chỉnh tăng dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu cho năm 2023 so với năm 2022 thêm 100.000 thùng/ngày lên 1,7 triệu thùng/ngày, đưa nhu cầu tiêu thụ cho năm 2023 đạt mức trung bình 101,6 triệu thùng/ngày trước khả năng phục hồi của Trung Quốc và mức tăng trưởng của Ấn Độ, khiến thị trường thiếu hụt khoảng 800.000 thùng/ngày. Giá dầu đã nhận được động lực tăng mạnh sau báo cáo.
Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô hoàn toàn lấn át trong nửa cuối tuần giao dịch trên thị trường dầu và ngăn chặn đà tăng mạnh mẽ của giá. Bất chấp sự hạ nhiệt trong bức tranh lạm phát Mỹ trong tháng 11 với chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng chậm lại ở mức 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, cũng bất ngờ phát đi tín hiệu mạnh mẽ trong tiến trình thắt chặt tiền tệ trong năm sau. Lo ngại lạm phát cố hữu, mức đỉnh lãi suất tăng cao và nguy cơ suy thoái cũng hiện diện, đã khiến lực bán áp đảo trên thị trường dầu trong 2 phiên cuối tuần. Trong khi hàng loạt các Ngân hàng Trung ương khác như Khu vực Châu Âu (ECB), Anh (BoE)… cũng đồng loạt tăng lãi suất, làm gia tăng rủi ro về bức tranh tăng trưởng tiêu cực trên toàn cầu sẽ đè nặng lên năng lực tiêu thụ, gây sức ép tới giá.
Tuy nhiên, với việc giá dầu WTI rơi xuống khoảng 74 – 75 USD/thùng, mới đây, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) đã công bố kế hoạch mua bổ sung 3 triệu thùng dầu lần đầu tiên kể từ khi giải phóng 180 triệu thùng từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) hồi tháng 3 đầu năm. Mặc dù con số này không quá lớn, xong thông tin trên có thể giúp lực mua quay trở lại thị trường dầu trong phiên đầu tuần. Bên cạnh đó, dữ liệu từ Baker Hughes cũng cho thấy số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tiếp tục giảm trong tuần kết thúc ngày 16/12 xuống còn 780 giàn đang hoạt động, thấp hơn 4 giàn so với tuần trước đó, phản ánh những khó khăn nhất định trong việc mở rộng nguồn cung.
Trên thị trường khí tự nhiên, giá khí biến động tăng giảm liên tục trong tuần qua và kết thúc tuần trong sắc xanh với mức tăng 5,68%. Lưu lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ tăng và sản lượng sụt giảm trong tuần này do thời tiết cực lạnh từ Bắc Dakota đến Texas khiến các giếng dầu và khí đóng băng đã hỗ trợ cho giá khí có phiên tăng tới hơn 8%. Tuy nhiên, dự báo thời tiết sẽ ấm hơn và nhu cầu sưởi ấm vào cuối tháng 12 giảm bớt so với kỳ vọng đã hạn chế đà tăng của giá trong phiên cuối tuần.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu đang tiếp tục di chuyển dưới cạnh giữa dải Bollinger Band khung Daily. MACS và RSI đang có xu hướng hướng lên. Nhiều khả năng giá sẽ quay lại cạnh giữa của dải. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế mua tại 75 USD/thùng với kỳ vọng chốt lời 76,2 USD/thùng. Cắt lỗ tại 74,3 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)