Giá dầu lấy lại sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tuần, nhờ sự lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc, cùng với việc các nhà sản xuất lớn tiếp tục hạn chế sản lượng và kế hoạch kiềm chế nguồn cung của Nga. Kết thúc phiên 20/02, giá dầu thô WTI tăng 1,12% lên 77,41 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,99% lên 83,49 USD/thùng.
Thiếu vắng sự sôi động đến từ thị trường Mỹ vì kỳ nghỉ lễ, thanh khoản của thị trường giảm mạnh, tuy nhiên sức mua vẫn áp đảo khi mà các nhà phân tích kỳ vọng, nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm lọc dầu. Bloomberg ước tính, nhu cầu từ Trung Quốc sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, lên mức cao nhất mọi thời đại là khoảng 16 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay.
Triển vọng tiêu thụ cả trong và ngoài nước đã thúc đẩy các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc tăng thông lượng dầu thô từ 850.000 thùng lên 1,2 triệu thùng/ngày. Bên cạnh việc nâng công suất, sẽ có ít nhất hai nhà máy lọc dầu với tổng công suất lên tới 520.000 thùng đi vào hoạt động trong các tháng tới. Các động thái này đang phản ánh rằng nguồn cung được gia tăng tích cực để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới, và cũng là yếu tố hỗ trợ chính với thị trường dầu trong phiên hôm qua.
Các nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm không nhỏ đối với nguồn cung dầu thô của Nga, trong bối cảnh nước này phải xoay sở để thích ứng với các lệnh cấm vận. Rủi ro về nguồn cung trong thời gian tới cũng tăng lên, khi mà Mỹ đang lên kế hoạch cho một đợt trừng phạt mới đối với Nga, bằng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới.
Hiện Nga có kế hoạch cắt giảm 5% sản lượng dầu, tương đương khoảng 500.000 thùng/ngày, tuy nhiên, trước thời điểm này, xuất khẩu dầu thô trên biển của Nga đã tăng 25% lên 3,6 triệu thùng/ngày, trong tuần kết thúc ngày 17/02.
Ngoài các yếu tố cơ bản về cung cầu, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, tuy nhiên do lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt nên dư địa để Fed tăng lãi suất không còn nhiều. Đồng USD giảm giá so với các loại tiền tệ khác, phản ánh qua chỉ số Dollar Index giảm về 103,86 điểm, đã làm cho chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô trở nên rẻ hơn, hỗ trợ giá dầu phục hồi trong hôm qua.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, trên khung H4, giá đang có dấu hiệu điều chỉnh nhẹ sau khi chạm cạnh giữa của Bollinger Band. Chỉ số RSI cũng đang cho thấy xác suất giá tiếp tục giảm cao hơn, khi quay đầu giảm dù chưa chạm mức 50 điểm. Nhà đầu tư có thể mở vị thế bán ngắn trong sáng nay từ 77,3 với kỳ vọng chốt lời ở mức 76,3 USD, cắt lỗ 77,8 USD. Nếu mua, nhà đầu tư cần đợi giá giảm về các mức hỗ trợ thấp hơn rồi mới mở vị thế.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)