Dầu thô trải qua một tuần sụt giảm mạnh trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại rằng có một cuộc suy thoái kinh tế sẽ diễn ra. Kết thúc tuần giao dịch 13/06 – 17/06, giá dầu thô WTI giảm 8,58% về 107,99 USD/thùng, giá dầu thô Brent cũng đóng cửa thấp hơn 7,29%, xuống mức 113,12 USD thùng.
Giá dầu gặp sức ép bán ngay từ đầu tuần và chỉ tăng hai trong năm phiên giao dịch. Đáng chú ý, sức mua rất yếu khiến những phiên tăng hầu như không đáng kể, trái lại, những phiên giảm đều rất mạnh.
Yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của giá vẫn không nằm ngoài những lo ngại về nguồn cung. Ngân hàng Goldman Sachs liên tục nhấn mạnh rằng sự mất cân bằng cung – cầu của thị trường dầu thô nghiêm trọng hơn so với những dự báo, nhất là khi các quốc gia sản xuất dầu lớn như Mỹ, hay các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng. Báo cáo tuần vừa qua của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu từ kho dự trữ chiến lược giảm 7,7 triệu thùng, trong bối cảnh Mỹ nỗ lực hạ nhiệt giá năng lượng, theo các cam kết giải phóng dầu với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Nguồn cung dầu tại Libya hay Iran cũng khó có thể quay trở lại thị trường dầu thô thế giới trong ngắn hạn. Những xung đột chính trị đang cản trở nước này tổ chức bầu cử, và tiếp tục hạn chế khả năng cung cấp dầu của nước này. Ngoài ra, việc Mỹ công bố các lệnh trừng phạt mới với Iran sẽ khiến cho đàm phán hạt nhân giữa hai nước ngày càng khó thành công.
Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số lượng dàn khoan dầu ở Mỹ cũng chỉ tăng 4 lên 584 giàn trong tuần qua. Đây tiếp tục là chỉ báo cho thấy năng lực sản xuất hạn chế của quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn không giữ được sắc xanh trước ảnh hưởng của một loạt các thông tin tiêu cực. Trong tuần vừa qua, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đều tiếp bước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Rủi ro nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, do lãi suất tăng cao và nguồn cung tiền bị giới hạn, ngày một gia tăng và sẽ kéo theo sự sụt giảm đối với nhu cầu tiêu thụ dầu thô, do đây là một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng của mọi ngành sản xuất.
Mỹ hiện là quốc gia tiên phong trong việc tìm cách hạ nhiệt giá dầu. Trong tuần vừa qua, Hạ viện Mỹ đã đề xuất một dự luật năng lượng để áp thuế đối với các công ty sản xuất dầu lớn nhằm giảm giá năng lượng. Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cũng cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc việc tạm ngừng thuế liên bang đối với xăng, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ của người vẫn tăng ngay cả khi giá xăng đã từng vượt mốc 5 USD/gallon (3,78 lít).
Khí tự nhiên giảm 21,54% trong tuần qua do việc Freeport phục hồi nhà máy và các đường ống sau vụ nổ, kéo dài lâu hơn so với ước tính, khiến tồn kho khí tự nhiên tại Mỹ tăng mạnh. Tình trạng cung vượt quá cầu là yếu tố khiến cho giá chịu sức ép bán lớn trong tuần qua.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI đang giằng co xung quanh mức kháng cự 109 USD/ thùng. Các chỉ số MACD và RSI đều cho thấy giá có thể tiếp tục giảm và nhiều khả năng sẽ hướng về cạnh dưới của Bollinger Band, tương đương mức 105 USD/thùng. Các nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế bán ở mức 109,8 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 106,8 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)