Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần qua, được hỗ trợ mức tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm theo các báo cáo tuần trên thị trường, và niềm tin về tiêu dùng đang dần phục hồi. Giá dầu WTI tăng 2,7% lên mức 78,29 USD/thùng, và dầu Brent cũng tăng 2,76% lên mức 82,2 USD/thùng.
Báo cáo sớm của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy mức tồn kho dầu thô Mỹ giảm 3,07 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/12 đã hỗ trợ một phần cho giá dầu trong phiên sáng. Thêm vào đó, yếu tố tiêu thụ tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ ổn định hơn giai đoạn trước, khi mà các công ty kêu gọi công nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ có thể tiếp tục công việc tại các nhà máy. Điều này thể hiện quan điểm trái ngược với giai đoạn kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ trước đó, và đem lại hy vọng sự “bình thường hoá” và mở cửa tại Trung Quốc sẽ cải thiện tình hình tiêu thụ dầu thô.
Trong tháng 11, Nga đã vượt Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu số 1 cho Trung Quốc với 7,81 triệu tấn, cao hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ tháng 8. Tuy nhiên, dòng chảy dầu từ Nga vẫn đang đặt ra một số rủi ro từ phía nguồn cung. Trong tuần đầu tiên sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga trên biển của EU có hiệu lực, tổng khối lượng vận chuyển từ nước này đã giảm 1,86 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 54%, xuống còn 1,6 triệu. Mức trung bình bốn tuần ít biến động hơn cũng giảm mạnh, thiết lập mức thấp mới trong năm.
Lực mua được thúc đẩy hơn trong phiên tối khi mà báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần trước giảm 5,9 triệu thùng, cao hơn con số dự đoán của thị trường. Tồn kho xăng tăng hơn 2,5 triệu thùng, ít hơn mức 4,5 triệu từ báo cáo của API và đặc biệt là tồn kho nhiên liệu chưng cất cắt đứt chuỗi tăng trước đó, với mức giảm 0,2 triệu thùng, phản ánh nhu cầu có thể tăng lên trước các đợt lạnh sắp tới. Bên cạnh đó, tổng các sản phẩm được cung cấp tăng gần 1 triệu thùng so với tuần trước đó lên mức 20,9 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 4 tuần và cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong đó các sản phẩm xăng tăng khá mạnh. Báo cáo cho thấy nhu cầu có phần cải thiện hơn đã hỗ trợ giá tăng mạnh trong phiên tối.
Ngoài ra, dữ liệu chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ của Hội đồng Hội nghị trong tháng 12 bất ngờ tích cực hơn nhiều so với mức dự báo, đạt 108,3 điểm, cao hơn mức 101,4 trong tháng trước đó và cao nhất kể từ hồi tháng 4. Niềm tin gia tăng trong bối cảnh giá dầu ở mức tương đối thấp có thể thúc đẩy tiêu thụ trong tương lai, dòng tiền cũng được phân bổ vào các thị trường rủi ro trong phiên hôm qua và giá dầu do đó cũng được hưởng lợi.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu hiện đã vượt lên trên cạnh giữa của dải Bollinger Band trên khung Daily và vượt đỉnh trước đó ở mốc 77,7 USD/thùng. RSI và MACD đang hướng lên, nhiều khả năng đà phục hồi sẽ tiếp tục. Giá dầu có thể sẽ test lại mốc 77,7 này trước khi bật lên, có thể canh mua với kỳ vọng chốt lời 79,7 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)