Bản tin MXV Năng lượng 23/02: Giá dầu duy trì đà tăng khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang
09:07 SA @ Thứ Sáu - 23 Tháng Hai, 2024

Kết thúc ngày giao dịch 22/2, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh căng thẳng địa chính tại Trung Đông tiếp tục leo thang. Ngoài ra, tồn kho dầu thương mại của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tuần trước, cũng góp phần hỗ trợ giá.

Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,9% lên 78,61 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,77% lên 83,67 USD/thùng.

Lực lượng Houthi liên kết với Iran ở Yemen đã nhận trách nhiệm về hành động không kích vào một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Anh và một tàu khu trục khác của Mỹ. Trong khi đó, người phát ngôn của nhóm phiến quân này cho biết Houthi sẽ còn leo thang hơn nữa căng thẳng tại Biển Đỏ và các vùng biển khác. Tình hình bất ổn địa chính trị tại Trung Đông ngày càng trở nên nghiêm trọng sẽ khiến cho nguy cơ nguồn cung trong khu vực bị gián đoạn cao hơn, đây là động lực chính thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu.

Đà tăng của giá cũng được củng cố sau báo cáo tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Theo báo cáo, tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/2 tăng 3,5 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với công bố tăng hơn 7 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ (API) và dự báo của giới phân tích. Tồn kho xăng giảm 293.000 thùng, trái ngược với mức tăng 415.000 thùng theo số liệu của API. Tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 4 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 2,9 triệu thùng của API và dự đoán giảm 1,7 triệu thùng của thị trường. Nhu cầu dầu thô tại Mỹ có sự cải thiện, là yếu tố tác động tích cực đến giá dầu.

Ngoài ra, loạt dữ liệu kinh tế hôm qua của Mỹ đang góp phần củng cố kịch bản hạ cánh mềm của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng cho thấy triển vọng lạc quan về nhu cầu năng lượng. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 17/2 giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tháng. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất sơ bộ tháng 2/2024 đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. Doanh số bán nhà hiện tại tháng 1 tăng tháng thứ ba liên tiếp.

Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ trong tháng 1 đã tăng lên mức cao nhất trong 21 tháng, do nhu cầu hoạt động công nghiệp mạnh mẽ tại quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Cụ thể, dữ liệu từ Tổ chức Phân tích và Kế hoạch Dầu khí (PPAC) cho thấy nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ trong tháng 1 đạt 21,39 triệu tấn, tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Biến động giá vẫn tương đối giằng co trong vùng 76,5 – 78,5 USD. Phiên trước đóng nến spinning top, cũng phản ánh tương quan cân bằng giữa lực mua và lực bán. Động lực tăng của giá có dấu hiệu suy yếu dần khi RSI hướng xuống và hai đường %D, %K của Stoch RSI có xu hướng cắt xuống từ vùng quá mua. Giá đang được hỗ trợ bởi Fibo 0,5 tại vùng giá 77 – 77,2 USD. Trên khung 4H, mẫu hình nến piercing pattern hình thành, có thể xác nhận tín hiệu điều chỉnh giảm ngắn hạn. Trong khi đó, RSI khung 4H cho tín hiệu phân kỳ âm. Stoch RSI khung 4H đi vào vùng quá mua, hai đường %D và %K co hẹp lại và có dấu hiệu cắt xuống. Khung 1H hình thành loạt nến giảm, cho thấy áp lực bán đang bắt đầu gia tăng. Dự báo giá dầu có thể điều chỉnh giảm về vùng hỗ trợ 77 – 77,2 USD phiên hôm nay. 


Nguồn: