Giá dầu diễn biến tương đối giằng co trong ngày giao dịch 23/1 trước các thông tin cơ bản trái chiều. Một mặt, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông vẫn đang tiếp diễn là mối đe dọa lớn đối với nguồn cung trong khu vực. Mặt khác, sự phục hồi sản lượng dầu ở một số bang của Mỹ, cùng với nguồn cung gia tăng ở Libya và Na Uy, đã thúc đẩy áp lực bán mạnh mẽ trên thị trường, kéo giá giảm nhẹ về cuối phiên.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,52% xuống 74,37 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,64% xuống 79,55 USD/thùng.
Cơ quan quản lý đường ống của bang North Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ, cho biết sản lượng dầu của bang đã phục hồi một phần sau khi giảm mạnh vì thời tiết lạnh giá. Sản lượng dầu của bang hiện giảm 250.000 - 300.000 thùng, so với mức giảm 650.000 – 700.000 thùng vào ngày 17/1.
Ngoài ra, theo Tổng cục Ngoài khơi Na Uy (NOD), sản lượng dầu thô của Na Uy đã tăng lên 1,85 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023, từ 1,81 triệu thùng/ngày trong tháng trước và vượt dự báo của các nhà phân tích là 1,81 triệu thùng/ngày.
Hơn nữa, việc khởi động lại mỏ dầu Sharara với công suất 300.000 thùng/ngày của Libya đã thúc đẩy sản lượng của nước này phục hồi. Bộ trưởng Dầu mỏ Libya cho biết sản lượng dầu của Libya đã phục hồi lên 1,2 triệu thùng/ngày sau khi mỏ dầu Sharara hoạt động trở lại.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga trong tuần trước đã giảm xuống 3,02 triệu thùng/ngày dưới ảnh hưởng của thời tiết bên cạnh các vụ tấn công bằng máy bay không người lái. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tác động từ các yếu tố trên là nhất thời và Nga có thể hồi phục hoàn toàn hoạt động xuất khẩu trong tuần tới.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 19/1 giảm 6,67 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo giảm 2,2 triệu thùng của giới phân tích. Trong khi đó, tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 250.000 thùng, so với kỳ vọng tăng 300.000 thùng của thị trường. Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu thụ xăng tại Mỹ vẫn còn hạn chế, khi tồn kho xăng tiếp tục tăng mạnh 7,2 triệu thùng, có thể sẽ khiến giá dầu giằng co.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Diễn biến giá tương đối giằng co khi phiên trước đóng nến spinning top, phản ánh sự cân bằng giữa lực mua và lực bán. Trong khi đó, Stoch RSI đã đi vào vùng quá mua và hai đường %D, %K co hẹp lại và có dấu hiệu cắt xuống. Tuy nhiên, trên khung 4H, giá giằng co đi ngang trong biên độ 74 - 74,5 USD. Khung 1H xuất hiện nến doji, theo sau là một nến giảm, có thể xác nhận tín hiệu đảo chiều giảm ngắn hạn của giá. Dự báo giá dầu có thể điều chỉnh giảm về vùng hỗ trợ 73,2 - 73,5 USD. Biên độ dao động của giá khá hẹp, nhà đầu tư nên chờ thêm tín hiệu kỹ thuật bứt phá từ giá.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)