Giá dầu giảm mạnh trong phiên đầu tuần, khi các lệnh phong tỏa của Trung Quốc khiến đe dọa nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 3,46% xuống 98,54 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 3,76% xuống 102,16 USD/thùng.
Dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần sau khi một loạt các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc khiến cho lực bán gia tăng dần ngay từ lúc mở cửa phiên. Số ca nhiễm dịch Covid-19 tại Thượng Hải tăng vọt, kết hợp với thông tin quận lớn nhất tại Thủ đô Bắc Kinh tiến hành xét nghiệm đồng loạt khiến cho khả năng các lệnh phong tỏa ngày càng kéo dài và lan rộng. Đã được 4 tuần từ khi Thượng Hải bắt đầu các lệnh hạn chế nghiêm ngặt, tuy nhiên chưa có dấu hiệu tỉnh thành này thành công trong việc kiểm soát dịch.
Điều này đe dọa triển vọng phát triển kinh tế tại Trung Quốc, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng bắt đầu kế hoạch tăng lãi suất. Sự suy giảm sức mua hàng hóa nói chung và giảm mua năng lượng nói riêng của Trung Quốc tạo ra lo ngại lớn trên thị trường. Theo ước tính, nhu cầu tiêu thụ dầu của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới có thể giảm đến 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng 4, tương đương khoảng 1,2% nhu cầu toàn cầu.
Trong khi nhu cầu suy yếu dần, nguồn cung dầu lại được nhận định có thể không sụt giảm như dự đoán ban đầu. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ hôm qua cho biết nguồn cung dầu từ nước này sẽ tăng dần lên để bù đắp cho 1-1,5 triệu thùng dầu/ngày từ Nga. Theo đó, thị trường trước mắt sẽ được bổ sung 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng thông qua các lần mở kho dự trữ chiến lược. Sản lượng dầu nội địa cũng được kỳ vọng sẽ dần tăng lên và gây áp lực lên giá.
Bên cạnh đó, dữ liệu theo dõi tàu chở hàng của Bloomberg cho thấy lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga trong tuần kết thúc ngày 22/04 vẫn duy trì ở mức 4 triệu thùng. Lượng dầu bán sang thị trường châu Á tăng dần lên khi mà chênh lệch giữa giá dầu Brent và giá sản phẩm chủ lực của Nga, dầu Urals vẫn duy trì ở mức trên 30 USD/thùng. Thêm vào đó, mặc dù các nước thuộc Liên minh châu Âu EU cho biết đang xem xét gói trừng phạt thứ 6 vào Nga, tuy nhiên, khả năng khối mạnh tay cấm vận dầu khí từ Nga là tương đối thấp. Một số thành viên như Đức và Hungary đã lên tiếng phản đối ý định cấm nhập khẩu dầu khí từ Nga.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số RSI và MACD tương đối tiêu cực với RSI hướng xuống trong khi MACD cắt hẳn xuống dưới đường Signal. Dải Bollinger Bands đang dần thu hẹp trở lại và giá đang ở sát vùng kháng cự 99,5 USD/thùng. Có thể canh bán hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 06/2022 tại vùng 99-99,2 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời từ 1,5-2 USD/thùng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)