Kết thúc tuần giao dịch 19 - 25/2, giá dầu giảm trở lại sau hai tuần tăng giá trước đó. Nhìn chung, lo ngại về nhu cầu suy yếu đi kèm một số sức ép vĩ mô đã thúc đẩy lực bán trên thị trường. Giá dầu WTI chốt tuần giảm 2,51% xuống 76,49 USD/thùng. Dầu Brent giảm 2,22% xuống 81,62 USD/thùng.
Các nguồn tin từ Reuters cho biết đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza được tiến hành ở Paris đang có một số tín hiệu khả quan nhất định. Nỗ lực này được đánh giá là nghiêm túc nhất trong nhiều tuần nhằm hướng tới việc thả các con tin và ngăn chặn cuộc giao tranh. Các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể thúc đẩy tâm lý thị trường dự đoán rằng căng thẳng địa chính trị sẽ có chiều hướng giảm bớt, từ đó giúp hạ nhiệt giá dầu.
Góp phần gia tăng sức ép lên thị trường dầu trong tuần qua là một số dấu hiệu phản ánh nhu cầu tiêu thụ chững lại. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/2 tăng 3,5 triệu thùng. Trong khi đó, sản lượng dầu của quốc gia này duy trì ở vùng đỉnh cao nhất lịch sử với 13,3 triệu thùng/ngày.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần cũng đã bổ sung nhiều giàn khoan dầu nhất kể từ tháng 11/2022, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Số giàn khoan dầu, một chỉ báo sớm về sản lượng tương lai, đã tăng 6 giàn lên 503 giàn trong tuần này và tăng 4 giàn trong tháng này.
Sau khi rời khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng của Angola cũng có dấu hiệu gia tăng, góp phần tạo áp lực lên giá dầu thế giới. Cụ thể, quốc gia này có kế hoạch xuất khẩu 35 lô dầu thô vào tháng 4, cao hơn 1 lô hàng so với mức dự tính trong tháng 3.
Yếu tố vĩ mô cũng là một trong các nguyên nhân chính tạo ra sức ép cho giá dầu trong tuần qua. Biên bản cuộc họp lãi suất cuối tháng 1 được công bố trong tuần cho thấy hầu hết các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đều lo lắng về việc nới lỏng chính sách quá nhanh. Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết hôm thứ Năm rằng các nhà hoạch định chính sách FED nên trì hoãn việc cắt giảm lãi suất của Mỹ ít nhất vài tháng nữa. Điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và hạn chế nhu cầu dầu mỏ, từ đó kéo giá dầu quay đầu giảm giá sau hai tuần tăng.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI trượt khỏi kênh tăng giá và đang đối diện với vùng hỗ trợ 76,3 USD. Việc phá vỡ mốc này sẽ xác nhận cho xu hướng giảm điều chỉnh trong phiên hôm nay. Ở khung D1, RSI có dấu hiệu phân kỳ giảm giá. Ở khung H4 cho thấy lực bán đang khá mạnh. Đường SMA của dải Bollinger Band có dấu hiệu hướng xuống. Tuy nhiên, RSI đang tiến vào vùng quá bán nên có thể sẽ có nhịp điều chỉnh trước khi tiếp đà giảm. Khung H1 có dấu hiệu phân kỳ ẩn tăng giá. Dự báo giá sẽ hồi lên vùng 77 – 77,2 USD trước khi giảm về vùng 75,7 – 76 USD. Nhà đầu tư có thể mở bán ở và chốt lời ở vùng trên. Cắt lỗ nếu giá vượt 77,8 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)