Bản tin MXV Năng lượng 29/02: Giá dầu diễn biến giằng co trước các thông tin trái chiều
08:57 SA @ Thứ Năm - 29 Tháng Hai, 2024

Giá dầu ghi nhận đà tăng khá mạnh trong nửa đầu phiên giao dịch ngày 28/2, tuy nhiên giá đã nhanh chóng đảo chiều trong phiên tối và biến động giằng co trong phần còn lại của ngày giao dịch. Mặc dù lo ngại về rủi ro nguồn cung vẫn còn tồn tại, nhưng sức ép vĩ mô và báo cáo tồn kho dầu Mỹ cũng gây áp lực ngược lại đối với giá. Điều này khiến giá dầu WTI chốt phiên giảm 0,42% xuống 78,54 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,62% xuống 82,15 USD/thùng.

Giá dầu vẫn được hỗ trợ một phần bởi một số nguồn tin từ thị trường cho rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện sang quý II năm nay. Ngoài ra, căng thẳng tại Trung Đông vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt khi Hamas kêu gọi người Palestine tuần hành đến Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa của Jerusalem vào đầu tháng Ramadan, làm tăng thêm căng thẳng trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Giá dầu có thời điểm đã lên cao nhất trong vòng 3 tháng, trước khi gặp áp lực trở lại bởi báo cáo trạng thái nhiên liệu hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Theo EIA, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/2 đã tăng 4,2 triệu thùng, trong khi tồn kho tại kho lưu trữ quan trọng Cushing, Oklahoma, địa điểm giao hàng dầu WTI kỳ hạn cũng tăng lên mức 31 triệu thùng từ mức 29,5 triệu thùng trước đó. Như vậy, tồn kho dầu tại Mỹ đã tăng 5 tuần liên tiếp, cho thấy nhu cầu lọc dầu suy yếu, từ đó kéo giá dầu đảo chiều giảm trở lại.

Nguyên nhân một phần là do các nhà máy lọc bảo trì theo kế hoạch, cùng nhu cầu hạn chế trong mùa đông. Tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu của Mỹ tăng 0,9 điểm phần trăm trong tuần trước lên 81,5% tổng công suất, nhưng thấp hơn mức trung bình theo mùa 10 năm. Các nhà máy lọc dầu đã hoạt động với công suất dưới 83% trong tháng qua, chuỗi dài nhất trong gần 3 năm.

Ngoài ra, yếu tố vĩ mô cũng tạo nên một vài sức ép cho giá dầu trong phiên hôm qua. Theo báo cáo sơ bộ lần 2 của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2023 của Mỹ tăng 3,2% so với quý trước, thấp hơn so với dự báo tăng 3,3% của các chuyên gia kinh tế và mức tăng trưởng 4,9% trong quý III/2023. 

Về thước đo lạm phát, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) quý IV/2023 tăng 1,8%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Điều này làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thế giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn thị trường kỳ vọng, đặt ra bài toán rủi ro tăng trưởng và thúc đẩy tâm lý bán trên thị trường dầu.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu kết thúc phiên giao dịch hôm qua bằng cây nến doji ở vùng giá cao nhất 3 tháng, phản ánh lực mua và lực bán đang khá cân bằng. Xét trong 3 tháng thì giá dầu vẫn đang di chuyển trong kênh tăng. Tuy nhiên, ở khung D1, RSI vẫn đang cho thấy phân kỳ giảm giá, trong khi khung H4 cũng cho dấu hiệu tương tự. Vùng cần quan sát sẽ là vùng 77,8 – 78  USD. Nếu phá vỡ vùng này, giá dầu có thể sẽ hướng xuống các mục tiêu vùng 77 – 77,2 USD trong phiên hôm nay. 


Nguồn: