Bản tin MXV Năng lượng 30/11: Dầu thô tiếp tục đón nhận lực mua tích cực khi rủi ro nguồn cung đang quay trở lại thị trường
01:56 SA @ Thứ Tư - 30 Tháng Mười Một, 2022

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11, sắc xanh bao phủ toàn bộ các mặt hàng trong nhóm năng lượng. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên Sở NYMEX tăng phiên thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,24% lên 78,2 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 2 năm sau tăng 0,43% lên mức 84,25 USD/thùng.

Giá dầu liên tục đón nhận lực mua tích cực ngay từ khi mở cửa phiên, do một số nguồn tin cho rằng nhóm OPEC+ có thể sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào ngày 4/12 sắp tới. Phân tích từ nhà tư vấn công nghiệp FGE cho biết con số có thể lên tới 2 triệu thùng/ngày, trong khi đơn vị RBC dự đoán OPEC+ có thể cắt giảm 500.000 – 1 triệu thùng/ngày.

Ngân hàng Goldman Sachs cũng đang đưa ra quan điểm cho rằng nhóm OPEC+ có thể sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn đà giảm giá và cố gắng cân bằng thị trường. Jeff Currie, chuyên gia trên thị trường hàng hoá của đơn vị này cũng có nhận định rất tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu trung hạn cho năm 2023, và ngân hàng này khá “kiên quyết” với dự báo dầu thô Brent ở mức 110 USD/thùng cho năm tới.

Bên cạnh đó, tình hình bất ổn do dịch bệnh tại Trung Quốc cũng đã được kiểm soát bởi các nhà chức trách địa phương, cũng khiến giá dầu ổn định trở lại. Thậm chí, giá dầu có thời điểm đã tăng lên trên 79 USD/thùng sau khi Bắc Kinh cho biết họ sẽ tăng cường tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi trong một cuộc họp của đơn vị y tế, một động thái được các chuyên gia coi là rất quan trọng đối với việc mở cửa trở lại của nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Lo ngại về việc nguồn cung có thể thu hẹp trong giai đoạn tới, trong khi kỳ vọng Trung Quốc sớm mở cửa trở lại gia tăng đã hỗ trợ cho giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp.

Đà tăng của giá chỉ chững lại trong phiên tối, khi Reuters cho biết 5 nguồn tin từ OPEC+ cho rằng nhóm nước này có khả năng sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng dầu tại cuộc họp vào Chủ nhật sắp tới. Có thể thấy rằng, bất chấp sức ép từ tiêu thụ, cán cân cung cầu thắt chặt trên thị trường vẫn sẽ khiến giá dầu phản ứng mạnh với các thay đổi về nguồn cung. Trong khi đó, nhóm các nước phương Tây vẫn chưa thể đi đến thống nhất về mức giá trần đối với dầu thô Nga mặc dù thời hạn của lệnh trừng phạt chỉ còn 5 ngày, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

Rạng sáng nay, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 7,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/11 so với dự báo giảm chỉ 2,8 triệu thùng, và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp, có thể sẽ tiếp tục là yếu tố thúc đẩy lực mua trên thị trường.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu đang có xu hướng phục hồi từ vùng cạnh dưới dải Bollinger Band. RSI đang có dấu hiệu hướng lên trên, phản ánh lực mua đang có xu hướng quay trở lại. Nhiều khả năng giá sẽ test lại mức 78,2 USD/thùng. Có thể canh mua ở mức này với kỳ vọng chốt lời 1,5 USD/thùng.

Nguồn: