Giá dầu trải qua một phiên giao dịch đầy giằng co khi nhà đầu tư cân nhắc các tin tức xoay quanh vấn đề trần nợ công và khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Kết thúc phiên 29/05, giá dầu thô WTI tăng 0,51% lên 73,04 USD/thùng, giá dầu thô Brent có mức tăng khiêm tốn hơn, chỉ 0,16% lên 77,10 USD/thùng.
Sức mua xuất hiện ngay từ phiên sáng thúc đẩy giá dầu tăng 1% sau khi có tin tức cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc nâng trần nợ và giới hạn chi tiêu của Chính phủ Mỹ trong hai năm tới. Cả hai nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng rằng các thành viên của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ ủng hộ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, giá giảm trở lại từ phiên chiều, và làm “bốc hơi” đà tăng của phiên sáng khi thị trường một lần nữa lại lo ngại về việc Fed vẫn tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Chỉ số Giá tiêu dùng (PCE) được công bố trong tuần trước vẫn cao hơn so với mức dự báo, khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa. Công cụ theo dõi của CME cho biết xác suất cho kịch bản này đang là 60,8%.
Lãi suất cao sẽ tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ nói riêng, và nền kinh tế toàn cầu nói chung, khi đồng USD là đồng tiền thanh toán chính trong các hoạt động thương mại quốc tế. Chỉ số Dollar Index đóng cửa phiên hôm qua mà không có sự thay đổi nào, “dừng chân” ở mức 104,21 điểm, mức cao nhất trong vòng 3,5 tháng. Tới cuối phiên, thị trường dầu lấy lại sắc xanh khi phần lớn các nhà đầu tư vẫn tích cực về thỏa thuận nâng trần nợ của Mỹ, và tạm bỏ qua áp lực tăng lãi suất. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của phiên hôm qua thấp hơn mức trung bình, bởi cả hai thị trường lớn là Anh và Mỹ đều nghỉ giao dịch, vì thế, tính bền vững của đà tăng của giá dầu trong phiên hôm qua sẽ cần được kiểm nghiệm thêm.
Trên thị trường hàng thực, theo số liệu của Reuters, Nhập khẩu dầu thô của châu Á đang trên đà phục hồi mạnh mẽ trong tháng 5 với hai khách hàng lớn nhất của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Vào đầu tháng 5, có tổng cộng 27,73 triệu thùng dầu thô mỗi ngày (bpd) dự kiến sẽ được bốc dỡ tại các cảng, tăng 8,6% so với mức 26,39 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và cũng là mức cao nhất trong năm 2023.
Nhập khẩu dầu thô qua đường biển và đường ống của Trung Quốc từ Nga dự kiến sẽ tăng từ 1,74 lên mức 2,0 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Điều này đồng nghĩa với việc Nga một lần nữa thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc.
Các nhà đầu tư sẽ cần theo dõi số liệu về sản lượng dầu thực tế của Nga, nhất là khi cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang đến gần. Bởi Nga là một trong những thành viên cam kết mức cắt giảm lớn, bên cạnh Saudi Arabia.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu kiểm nghiệm thành công đường hỗ trợ xu hướng (màu xanh dương) và một lần nữa vượt qua cạnh giữa của Bollinger Band. Cả chỉ số RSI và giá đều tạo các đáy thâp hơn. Nhà đầu tư có thể mở vị thế mua dưới mức 73,1 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 73,9 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)