Sắc đỏ tiếp tục được duy trì ở thị trường dầu thô trước sức ép từ đồng USD và những lo ngại chung của các nhà đầu tư về nền kinh tế toàn cầu. Kết thúc phiên 30/1, giá dầu thô WTI giảm 2,23% về 77,90 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent giảm 1,23% về 85,59 USD/thùng.
Giá dầu thô bật tăng ngay từ đầu phiên, khi đây là phiên giao dịch đầu tiên đánh dấu sự quay lại của các nhà giao dịch Trung Quốc sau một tuần nghỉ lễ Tết Nguyên Đán. Sức mua gia tăng khi thị trường đón nhận các số liệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đang được cải thiện. Bộ Văn hóa và Du lịch thống kê được nhiều hơn 300 triệu chuyến đi đã được thực hiện trong những ngày lễ.
Hy vọng về sự gia tăng nhu cầu của Trung Quốc đã thúc đẩy giá dầu từ đầu năm đến nay, tuy nhiên, phần lớn những kỳ vọng này đã phản ánh hết vào giá, nên tin tức này không đủ để giúp thị trường chống đỡ đợt giảm giá của phiên hôm qua. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có quyết định lãi suất trong tuần này, và dù mức tăng đang được dự đoán là 25 điểm cơ bản, nhưng đồng USD vẫn hồi phục, với chỉ số Dollar Index tăng lên 102,28 điểm.
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư đang có tâm lý thận trọng hơn, và tiến hành dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán, thị trường tiền điện tử và cả thị trường dầu.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chịu áp lực từ các dấu hiệu cho thấy nguồn cung mạnh mẽ của Nga bất chấp lệnh cấm của Liên minh châu u (EU) và giới hạn giá mà khối G7 áp dụng.
Xuất khẩu dầu thô của Nga đã phục hồi trong tuần trước, tăng 48.000 thùng/ngày, tương đương 16%, lên 3,6 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 27/1. Phần lớn khối lượng này được di chuyển đến châu Á, với các khách hàng chính là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng những chuyến hàng trên các tàu chưa có điểm đến cuối cùng đã tăng lên mức cao mới là 3,03 triệu thùng/ngày.
Theo Reuters, Saudi Arabia có thể giảm giá các loại dầu thô bán sang châu Á tháng thứ tư liên tiếp. Động thái này gián tiếp phản đối sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ, khi mà nhà sản xuất đầu hàng đầu thế giới phải hạ giá bán dầu để cạnh tranh với các nhà cung cấp khác.
Trong sáng nay, Trung Quốc sẽ công bố các số liệu kinh tế của tháng 1, với thông tin được quan tâm nhất là Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất và phi sản xuất. Nếu số liệu PMI tiêu cực, sức ép bán sẽ tiếp tục được gia tăng trên thị trường dầu.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Lăng kính kỹ thuật cho thấy các tín hiệu tương đối tiêu cực với thị trường dầu, khi mà giá đã đóng cửa dưới cạnh giữa của Bollinger Band. Các chỉ số MACD và RSI đều hướng xuống, cho thấy xác suất giá giảm đang cao hơn. Nhà đầu tư có thể mở vị thế bán từ mức 78 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 77,8 USD, nếu các số liệu PMI được công bố tiêu cực.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)