Ngày 29 tháng 4 vừa qua, Hiệp hội đã có công văn gửi Cục Quản lý giá Bộ Tài chính về vấn đề báo cáo đánh giá tổng quan tình hình thực hiện Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 09/12/2009 với những nội dung sau:
Sau gần năm năm triển khai thực hiện, Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài chính về cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã để lại những dấu ấn nhất định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Sau đây là ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về những dấu ấn này:
1- Về cơ chế điều hành giá xăng dầu:
Căn cứ luật định hiện hành, việc điều hành giá xăng dầu chịu sự điều chỉnh chủ yếu bằng các điều khoản đã được qui định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Từ giữa năm 2013 trở về trước, việc điều hành giá xăng dầu không theo sát thị trường nên đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, bức xúc trong dư luận, bản thân các cơ quan quản lý cũng lúng túng trong mỗi lần điều chỉnh giá.
Nhưng từ giữa năm 2013 đến nay, việc điều hành giá xăng dầu có nhiều cải thiện tích cực: biên độ điều chỉnh thấp không gây sốc với thị trường, không âm quỹ BOG, sử dụng các công cụ điều hành tốt hơn, phù hợp với diễn biến giá thế giới,...
2- Về tình hình trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu:
Về mặt nguyên tắc, việc hình thành Quỹ BOG xăng dầu cũng có những ý nghĩa nhất định trong điều kiện của Việt nam hiện nay. Song Quỹ này chỉ có thể phát huy tác dụng thực sự nếu nguyên tắc trích lập, phương thức quản lý và sử dụng Quỹ hợp lý và được nghiêm túc thực hiện theo đúng luật định.
Thời gian qua, việc lập Quỹ, quản lý Quỹ, sử dụng Quỹ chưa sát với thị trường, tác động chưa tốt đến điều hành giá làm cho điều chỉnh giá bán lẻ thiếu uyển chuyển, thậm chí giá bán lẻ không phản ánh tính khách quan của cung cầu thị trường.
Những phân tích trên cho thấy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay còn quá nhiều bất cập từ khâu quản lý đến khâu sử dụng Quỹ. Đó là một trong các nguyên nhân tạo ra nhiều bức xúc trong xã hội.
3- Việc công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu:
Phải thừa nhận rằng việc thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian qua là công khai vì mỗi lần tăng giảm giá này đều được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng người sử dụng vẫn hoài nghi về tính “minh bạch” trong các lần điều chỉnh này.
4- Về chi phí kinh doanh định mức:
Theo Thông báo 135 của Bộ Tài chính ban hành ngày 28 tháng 03 năm 2013, chi phí kinh doanh định mức tăng từ 600 đồng lên 860 đồng/lít xăng dầu đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và đó là một kết quả đáng ghi nhận của Bộ Tài chính. Tuy vậy, 860 đồng/lít xăng dầu là tổng chi phí thực tế của hoạt động kinh doanh xăng dầu từ năm 2010.
5- Về lợi nhuận định mức:
Hiệp hội cho rằng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu là phù hợp với tính chất và đặc thù của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong điều kiện kinh tế-xã hội Việt nam hiện nay và không nên sử dụng lợi nhuận định mức như một công cụ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu như trước đây.
Để từng bước đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường như đã được khẳng định trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Hiệp hội xin có những kiến nghị cụ thể sau đây:
1- Nhanh chóng chuẩn bị Thông tư hướng dẫn liên bộ Tài chính-Công Thương về điều hành quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu để kịp thời ban hành ngay sau khi Nghị định mới có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn của liên Bộ nên quy định cụ thể và minh bạch những nội dung của Nghị định mới.
2- Về chi phí kinh doanh định mức:
Theo thông báo 135/BTC, chi phí kinh doanh định mức tăng từ 600 đồng/lit lên 860 đồng /lit, nhưng bản chất chi phí này đã được hình thành từ năm 2010 trong khi chi phí kinh doanh hàng năm đều tăng. Theo Hiệp hội, Bộ Tài chính nên thường xuyên thay đổi chi phí kinh doanh định mức cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh-xã hội của đất nước, và nên công bố chi phí kinh doanh định mức ngay từ đầu năm kế hoạch.
Ngoài ra, trong cơ cấu của chi phí kinh doanh định mức nên bổ sung thêm chi phí hao hụt nhập khẩu, hệ số trượt giá (CPI), chi phí phát sinh tài chính (chênh lệch tỷ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng phải trả cho khoản nộp thuế nhập khẩu ngay khi hàng về cảng …). Tổng chi phí định mức phải được xác định một cách hợp lý để tránh doanh nghiệp bị lỗ do cơ chế.
Theo dự kiến của Hiệp hội, thời điểm hiện tại, chi phí kinh doanh định mức khoảng 1.200 đến 1.300 đồng/lit xăng dầu (không tính tới phát sinh tăng khi kinh doanh xăng E5).
3- Về lợi nhuận định mức:
Lợi nhuận định mức 300 đồng/lit xăng dầu là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay. Trong quá trình điều hành, không nên cắt giảm lợi nhuận định mức của doanh nghiệp vì khi doanh nghiệp có lợi nhuận mới trích quỹ để tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
4. Về Quỹ Bình ổn giá (BOG):
Liên bộ thống nhất nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG. Theo Hiệp hội, để tránh bức xúc của dư luận và minh bạch, Liên bộ nên công bố thời điểm bắt đầu và kết thúc sử dụng Quỹ BOG, ngoài ra, Quỹ BOG nên để ở các doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ này như thế nào để không bị lãng phí nguồn lực..., Liên bộ nên quy định cho phù hợp.
5- Giải quyết dứt điểm việc truy thu thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất năm 2012 nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa theo đúng luật định.
6. Về thù lao đại lý:
Theo Hiệp hội, nên để bên giao và bên nhận đại lý thỏa thuận.
Qua khảo sát thực tế của Hiệp hội và kiến nghị của các đại lý xăng dầu, thù lao đại lý (bình quân cả nước) tối thiểu 650 đồng/lit xăng dầu (hàng giao tại cửa hàng đại lý).
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)