Diễn biến giá cả một số mặt hàng tháng 4-2015
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4-2015 tăng 0,14% so với tháng 3-2015. Trong cơ cấu CPI tháng 4, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 2,47%) do tác động trễ của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu; tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu (tăng 0,84%) chủ yếu do tác động tăng giá điện, nước, dầu hỏa; một số nhóm hàng khác có mức tăng nhẹ từ 0,16% -0,32% do đang trong giai đoạn chuyển mùa. Riêng các nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống (giảm 0,42%) do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào; nhóm đồ uống và thuốc lá (giảm 0,1%) do nhu cầu sau tết giảm; nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,09% do các chương trình khuyến mãi của các hãng viễn thông.
Như vậy, lũy kế CPI 4 tháng đầu năm 2015 so với tháng 12-2014 chỉ tăng nhẹ (tăng 0,04%). Trong đó: 3 nhóm có mức tăng cao trên 1% chủ yếu do tác động tăng giá theo yếu tố mùa vụ là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, nhóm may mặc – mũ nón – giày dép, nhóm ăn uống ngoài gia đình. Các nhóm giảm gồm giao thông (giảm 6,22%) chủ yếu do tác động giảm giá các mặt hàng nhiên liệu trong thời gian trước tết nguyên đán; nhóm lương thực (giảm 0,39%) do nguồn cung dồi dào; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,51%) do tác động giảm giá gạch và vật liệu xây dựng; nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,2%) do các chương trình khuyến mãi.
chỉ số nhóm lương thực (giảm 0,39%) do nguồn cung dồi dào
Nếu tính bình quân 4 tháng đầu năm 2015, CPI chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm tăng cao nhất vẫn là nhóm giáo dục (tăng 8,32%) do điều chỉnh học phí; tiếp đến là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 3,49%); nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 3,2% do các mặt hàng trong nhóm có mức tăng cao hơn tết năm trước; các nhóm chính còn lại chỉ tăng từ 0,32%-2,4%. Riêng nhóm giao thông và nhóm nhà ở vật liệu xây dựng giảm mạnh (lần lượt là 13,47% và 3,05%) đã kéo CPI chung tăng thấp.
Dự báo: trong tháng 5 có kỳ nghỉ lễ dài (Giỗ tổ Hùng Vương, 30-4-2015) nên cước phí vận tải, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng và ăn uống ngoài gia đình có thể tăng, một số nhóm hàng có thể tăng nhẹ khi chuyển mùa. Tuy nhiên do mặt bằng giá thế giới biến động không nhiều, nguồn cung nhiều loại hàng hóa tiếp tục đảm bảo, giá nhiều hàng hóa thiết yếu tiếp tục ổn định nên dự kiến CPI tháng 5 chỉ tăng nhẹ so với tháng 4 – 2015.
Diễn biến cung cầu mặt hàng xăng dầu
Giá dầu thô bình quân trên thị trường thế giới trong tháng 4 tăng mạnh so với tháng 3. Nguyên nhân chủ yếu do thông tin về tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm, dấu hiệu khởi sắc kinh tế từ Mỹ và Đức.
Giá dầu thô thế giới tháng 4 tăng mạnh so với tháng 3
Cụ thể: giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tại New York đã tăng từ mức 50.000 USD/ thùng (01-4) lên mức 58,41 USD/thùng (24-4). Tương tự tại London, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng từ mức 54,95 USD/thùng (02-4) lên mức 65,58 USD/thùng (24-4).
Trên thị trường Singapore, giá xăng dầu thế giới bình quân tháng 4-2015 tăng từ 1%-11% so với bình quân tháng 3-2015.
Dự báo: báo cáo về tình hình tại các nền kinh tế lớn và báo cáo tồn kho dầu thô toàn cầu và tình hình địa chính trị tại Trung Đông sẽ tiếp tục là yếu tố tác động làm cho giá dầu thô trên thị trường thế giới trong tháng 5 tăng nhẹ so với tháng 4-2015.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)