Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 về kinh doanh xăng dầu là cơ sở pháp lý cho việc điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nghị định ra đời đã từng bước tạo ra tiền đề cho một thị trường xăng dầu cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số nội dung quy định tại Nghị định cần phải được chỉnh sửa, bổ sung để hoạt động kinh doanh xăng dầu được diễn ra công khai, minh bạch và tạo lập môi trường kinh doanh xăng dầu ngày càng cạnh tranh hơn.
Dự thảo thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP đang được tổng hợp ý kiến của các Bộ ngành liên quan và Hiệp hội Xăng đầu Việt Nam đã có những điểm mới, cụ thể hơn dựa trên nguyên tắc kế thừa và phát huy, khắc phục những hạn chế của Nghị định 84.
Ảnh: Internet
Trước hết, về hệ thống phân phối xăng dầu, Dự thảo bổ sung thêm hai hình thức phân phối mới bên cạnh phương thức tổng đại lý, đại lý đã được quy định tại Nghị định 84. Đó là phân phối theo phương thức “mua đứt bán đoạn” và theo phương thức “nhượng quyền thương mại”. Đồng thời sẽ có thêm đối tượng là thương nhân phân phối xăng dầu (được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối) và đối tượng là thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu (nhượng quyền thương mại). Như vậy, việc bổ sung thêm hình thức phân phối và mở rộng đối tượng phân phối cũng như lộ trình đầu tư cơ sở vật chất sẽ góp phần đa dạng hóa loại hình kinh doanh xăng dầu, tăng thêm khả năng cạnh tranh vốn đã ít ỏi trong lĩnh vực kinh doanh này ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là mô hình lần đầu tiên được thí điểm tại Việt Nam nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những bất cập trong quá trình thực hiện.
Về giá bán lẻ xăng dầu, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá cũng như giảm giá. Giá cơ sở được tính bình quân giá xăng dầu thế giới 15 ngày theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Quy định về Quỹ bình ổn giá cũng đã được nghiên cứu và chỉnh sửa để phù hợp với Luật Giá năm 2012. Những quy định cụ thể trong việc điều chỉnh giá trong Dự thảo là thực sự cần thiết nhằm tạo ra sự rõ ràng, công khai và minh bạch đối với mặt hàng mang tính chất đặc thù này.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là sau khi Nghị định 84 có hiệu lực thi hành, quyền tự chủ của thương nhân đầu mối trong quyết định giá bán xăng dầu được phát huy trong một thời gian ngắn. Sau thời gian đó, Liên Bộ Tài Chính – Công Thương đã tham gia trực tiếp việc điều hành giá. Về cơ bản việc điều hành giá trong thời gian này vẫn tuân thủ nguyên tắc của Nghị định 84 nhưng còn lạm dụng các công cụ thuế, Quỹ Bình ổn khi vận dụng quy định tại điểm C Khoản 3 Điều 27. Trong điều hành chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục khi áp dụng biện pháp bình ổn giá, chưa theo đúng biên độ điều chỉnh giá đã quy định tại Điều 27 Nghị định 84.
Theo số liệu thống kê, giá cơ sở thường chỉ tăng trong phạm vi từ 0 – 5% so với giá bán lẻ hiện hành, nếu theo đúng quy định thương nhân đầu mối được quyền chủ động tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở trong phạm vi ≤ 7% và với tần suất điều chỉnh giá như vậy thì khó xảy ra trường hợp giá cơ sở tăng vượt 7% và Quỹ Bình ổn được trích lập nhưng chưa chắc đã được sử dụng. Quỹ BOG sẽ chỉ được sử dụng khi giá cơ sở tăng > 7% và có quyết định của Liên Bộ Tài chính – Công Thương. Quy định quá 2 ngày làm việc, Liên Bộ không có văn bản trả lời về phương án giá, dự kiến mức điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thì thương nhân đầu mối được quyền tăng giá theo mức giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% cộng thêm 40% của mức giá cơ sở tăng trên 7% đến 12%; 60% còn lại sử dụng Quỹ BOG. Quy định rất rõ ràng nhưng có được áp dụng triệt để vào thực tế hay không, đó vẫn còn là câu hỏi đang được bỏ ngỏ bởi thời gian qua Quỹ BOG chưa được nghiêm túc thực hiện đúng quy định tại Nghị đinh 84/2009/NĐ-CP.
Nghị định 84 có quy định các điều kiện cho thương nhân là tổng đại lý, đại lý nhưng chưa quy định rõ cơ quan cấp ngành nào quản lý, giám sát các đối tượng này, gây nên tình trạng lộn xộn, tự phát, tình trạng găm hàng chờ tăng giá, làm ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu phục vụ tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Nghị định đã bổ sung thẩm quyền, hồ sơ, trình tự cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước, quản lý chặt chẽ những loại hình phân phối xăng dầu cũng như đảm bảo số lượng, chất lượng xăng dầu từ đầu mối tới tay người tiêu dùng. Ngoài ra, Dự thảo cũng đã làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu.
Đối với tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu, Dự thảo Nghị định đã đưa ra các loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất; quy định loại hình thương nhân nào được phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất…, trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hướng dẫn các thủ tục hành chính nhằm hạn chế tình trạng mập mờ, hiện tượng trục lợi, buôn lậu xăng dầu qua mô hình kinh doanh này.
Hy vọng rằng, Dự thảo Nghị định mới vẫn tiếp tục quán triệt quan điểm kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nâng cao điều kiện kinh doanh xăng dầu, tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội cũng như củng cố, phát triển hệ thống phân phối xăng dầu trong cả nước đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài khi Việt Nam buộc phải mở cửa thị trường này theo đúng cam kết quốc tế.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)