Thị trường xăng dầu thế giới và Việt Nam năm 2014 và những tuần đầu năm 2015
Chủ tịch VINPA
04:02 SA @ Thứ Hai - 09 Tháng Hai, 2015

1. Thị trường dầu mỏ thế giới và Việt Nam năm 2014

Những diễn biến của thị trường dầu mỏ thế giới phản ánh khá trung thực cục diện thế giới cả về kinh tế, địa chính trị, về an ninh, an toàn ở nhiều khu vực khác nhau. Ngay từ đầu năm, nhiều tổ chức kinh thế thế giới như IMF, WB, chuyên gia kinh tế đều đưa ra những dự báo về kinh tế thế giới 2014. Nhìn chung, những dự báo đầu năm đều cho rằng kinh thế thế giới sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013 khoảng xung quanh 3,3%. Thế nhưng vào giữa năm 2014, nhiều dự báo đã hạ thấp khả năng tăng trưởng so với dự báo ban đầu. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2014, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, không bền vững. Kinh tế Mỹ có sự phục hồi rõ nét về nhu cầu và lòng tin của người tiêu dùng; tỷ lệ thất nghiệp giảm. Kinh tế châu Âu có biểu hiện suy giảm; những chính sách kinh tế của chính phủ Nhật chưa phát huy tác dụng, chưa khắc phục được tình trạng thiểu phát. Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ nhu cầu giảm, tốc độ tăng trưởng giảm sút; kinh tế Nga rơi vào suy thoái do giá dầu giảm và các đòn trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây do tình trạng xung đột ở Ukcraina.

Kinh tế thế giới năm 2014 tăng trưởng thấp hơn 3,3% do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân giá dầu thô bắt đầu giảm mạnh và kéo dài đến ngày cuối cùng của năm 2014. Trung bình giá dầu giảm 57% kể từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2014. Theo IMF, WB nhu cầu dầu mỏ thế giới 2014 giảm từ 25-30% so với dự báo, nhu cầu phát triển chậm chạp thậm chí sụt giảm. Các nước xuất khẩu dầu mỏ, đặc biệt là OPEC đã không có tiếng nói chung trong giải quyết bài toán cung-cầu dầu mỏ đầy phức tạp, chứa đựng nhiều lợi ích khác nhau, những mục tiêu khác nhau. Bình thường khi cung vượt quá cầu thì đầu tiên phải xử lý là giảm bớt nguồn cung để phù hợp với cầu nhằm làm cho thị trường dầu mỏ lành mạnh. Các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn như Hoa Kỳ, Saudi Arabia, Nga và một số nước trong tổ chức OPEC quyết không cắt giảm sản lượng thậm chí còn tăng nguồn dự trữ, làm cho thị trường dầu mỏ “tuột dốc không phanh”.

Có chuyên gia cho rằng có lẽ đã và đang diễn ra cuộc chiến dầu mỏ với mục tiêu là loại bỏ lẫn nhau giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ ra khỏi cuộc chơi đầy rủi ro này. Điều đầu tiên cần làm rõ là OPEC đứng đầu là Saudi Arabia muốn gì? Saudi Arabia là nước chiếm 1/10 nguồn cung và chiếm 1/5 lượng xuất khẩu trên toàn cầu. Saudi Arabia cho rằng mình là nước giữ vai trò quan trọng trong điều chỉnh giá dầu mỏ và duy trì thị phần thống trị thế giới. Mặt khác, Saudi Arabia muốn cạnh tranh với Hoa Kỳ, Nga, Iran về thị phần, với các nước xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Iran vốn “bằng mặt không bằng lòng” trước địa chính trị tại khu vực Trung Đông rất phức tạp hiện nay.

Thị trường xăng dầu Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Năm 2014, sản xuất sản phẩm xăng dầu trong nước mới đáp ứng 30% nhu cầu, phải nhập khẩu 70%. Ngay từ đầu năm 2014, chúng ta cũng không dự báo và đưa ra cảnh báo nào về sự giảm sút bất thường của giá dầu mỏ thế giới. Căn cứ vào tiến độ nhập khẩu và lượng bán ra tiêu thụ trên thị trường hết tháng 6 năm 2014, VINPA và một số chuyên gia có đưa ra dự báo nhu cầu xăng dầu trong nước có thể giảm so với năm 2013. Khi giá dầu mỏ bắt đầu giảm từ 111$/thùng xuống xung quanh 100$/thùng rồi 90$/thùng, 80$, 70$ và 60$/ thùng vào giữa tháng 11 năm 2014, dưới 60$/thùng , 50$/thùng vào tháng 12 năm 2014 đã chứng minh giá dầu thô giảm bất thường kể từ năm 2008. Giá dầu thô giảm bất thường giữa lúc chúng ta đang tổ chức thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tính đến ngày 31/12/2014, đã có 12 lần giảm giá xăng với tổng giá trị 7.760 đ/lit; lần có mức giảm lớn nhất là 2.050 đ/lit. Tình hình tổ chức bán lẻ xăng dầu trong lúc giá dầu giảm mạnh liên tục gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống bán lẻ.

Do khó có thể dự báo được giá dầu, đặc biệt giá dầu ngày một giảm sâu, không nhích lên được vì vậy càng nhập vào, càng bán, càng lỗ. Mặt khác một số quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP như quy định định mức chi phí 1.050 đ/lit là chưa phù hợp với thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phải vận dụng ở mức cao để tăng bán ra, chống chọi với thua lỗ. Kết thúc năm 2014, tuy chưa có số liệu chính thức nhưng nhu cầu xăng dầu trong nước đã giảm khá lớn so với năm 2013. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ, một số doanh nghiệp cầm chừng, nguy cơ giảm sút sản lượng bán ra của nhiều doanh nghiệp là hiện hữu. Tóm lại, thị trường xăng dầu trong nước năm 2014 không mấy sáng sủa; nhiều doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, kinh doanh không có hiệu quả.

2. Thị trường xăng dầu năm 2015

Năm 2015 đã qua đi gần một tháng, theo dự báo của IMF, WB thì kinh tế thế giới không mấy sáng sủa hơn năm 2014. Có thể kinh tế Mỹ tăng khá 2,3-3% do nhu cầu nội địa tăng, tỷ lệ lao động có việc làm tốt, tiêu dùng gia đình tăng khá, giá xăng dầu vẫn ở mức thấp. Các nước mới nổi trừ Nga có sự phân hóa và tăng trưởng khá hơn nhờ hỗ trợ của giá dầu giảm. Các yếu tố trên không bù đắp được những sụt giảm của kinh tế các nước EU do tăng trưởng thấp, thất nghiệp tăng, giá dầu giảm mạnh. Kinh tế Nga, Nhật suy giảm; kinh tế Ấn Độ, Trung Quốc chững lại và tăng trưởng thấp. Nhiều dự báo cho rằng năm 2015 giá hàng hóa cơ bản có xu hướng tụt dốc do nhu cầu tiêu dùng giảm sút; nhu cầu dầu thô tiếp tục giảm ở các nước mới nổi và các nước công nghiệp phát triển. Cuộc chiến dầu lửa vẫn tiếp tục, chưa thấy có hồi kết.

Có chuyên gia dự báo nhu cầu dầu thô sẽ giảm 40%, trong khi nguồn cung vẫn tăng do Mỹ tăng dự trữ, tiếp tục chương trình khai thác dầu đá phiến. Nga không có động thái giảm sản lượng, Saudi Arabia và tổ chức OPEC chưa thay đổi lập trường không cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu vì vậy càng thúc đẩy cung vượt xa cầu. Trong năm 2015, nếu hết quý 1 hoặc quý 2, các ông vua dầu lửa vẫn quyết theo đuổi mục tiêu của mình sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới vào tình trạng hỗn loạn và tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới. Theo một quan chức hàng đầu của OPEC thì giá dầu mỏ có thể tăng trở lại vào thời gian ngắn nhất. Đây là động thái mới nhất nhưng lại ít lòng tin vào tín hiệu này. Dự báo giá dầu thô sẽ quay trở lại mức 60$-80$/thùng trong năm 2015 là dự báo có lý nếu các ông trùm dầu mỏ ngồi lại với nhau để lập lại trật tự thị trường năm 2015.

Kết thúc năm 2014, Việt Nam đã và đang xem xét, đánh giá, dự báo và đưa ra các kịch bản đối phó. Nếu bị động thì sẽ xảy ra những hậu quả khó lường khi giá dầu thô tiếp tục giảm hoặc bất ngờ tăng trở lại. Chính sách, cơ chế của thị trường xăng dầu của Việt Nam bấy lâu nay đã quen và chỉ đối phó với giá dầu tăng, chứ chưa có cách xử lý, đối phó với giá dầu thế giới giảm bất thường như thời gian qua. Khi giá dầu thế giới tăng, giảm bất thường đều tác động kể cả tích cực, tiêu cực đến kinh tế vì nước ta vừa xuất khẩu dầu thô vừa nhập khẩu sản phẩm xăng dầu.

Dự báo 100$/thùng để làm căn cứ vận hành nền kinh tế mở của Quốc hội đúng với nửa đầu năm 2014, song từ giữa năm 2014 giá dầu giảm liên tục đến tháng 12/2014 đã giảm hơn 50% vì vậy nhiệm vụ dự báo tương đối chính xác giá dầu năm 2015 là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhưng cũng cực kỳ khó khăn. Nếu giữ nguyên dự báo cũ 100$/thùng thì cần theo kịch bản giá dầu vẫn ở mức thấp như hiện nay nhưng có kịch bản khi giá dầu lại quay trở lại tăng đột biến. Cho dù kịch bản nảo thì mục tiêu bảo vệ cán cân thu chi ngân sách, an ninh năng lượng, ổn định kinh tế vĩ mô, quyền lợi của nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của doanh nghiệp phải được cân bằng và thị trường xăng dầu Việt Nam phải ổn định, bền vững cạnh tranh lành mạnh.

Năm 2015, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn tiếp tục gặp khó khăn, các cơ quan quản lý, người tiêu dùng tiếp tục tham gia thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Thiết nghĩ những khó khăn của năm 2015 không chỉ riêng thị trường xăng dầu mà là khó khăn chung của nền kinh tế. Dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất định mục tiêu của năm 2015 sẽ được thực hiện. Riêng lĩnh vực xăng dầu, mong Chính phủ sớm đưa ra các phương án phù hợp theo diễn biến của thị trường, tạo ra môi trường thuận lợi rõ ràng minh bạch trong cơ chế và điều hành để Nghị định 83/2014/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hoàn thành mục tiêu của Quốc hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015.

Nguồn: