(VINPA) - Triển khai Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 và Thông báo số 173/TB-VPCP ngày 24 tháng 4 năm 2014 về lộ trình triển khai nhiên liệu sinh học (NLSH), theo đó từ tháng 12 – 2014 xăng E5 sẽ được bán tại 7 tỉnh thành phố lớn gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu; từ tháng 12-2015 sẽ phủ E5 toàn quốc, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã có những nghiên cứu, đánh giá độc lập các vấn đề có liên quan đến NLSH như lộ trình áp dụng; chính sách giá, thuế; tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm và hệ thống tồn trữ, vận chuyển, phối trộn; các ảnh hưởng (nếu có) đến phương tiện, động cơ; tác động đến môi trường; các giải pháp khả thi áp dụng vào thực tiễn thị trường xăng dầu Việt Nam để đảm bảo nguồn cung NLSH trên phạm vi cả nước ....
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã có văn bản số 94/HHXDVN-VP ngày 29 tháng 8 năm 2014 gửi tới Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu kỹ thuật xăng E5.
Trước hết, VINPA hoàn toàn ủng hộ việc giữ nguyên thời điểm bắt đầu thực hiện lộ trình sử dụng NLSH từ 01 tháng 12 năm 2014, cũng như việc cho phép trong giai đoạn chuyển giao được phép đồng thời kinh doanh xăng khoáng RON 92, RON 95 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 137/TB-VPCP nói trên. Trong khi chờ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xây dựng các phương án lập Quỹ khuyến khích phát triển NLSH, phương án xác định giá NLSH, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về quản lý kinh doanh xăng dầu, từ góc độ một tổ chức độc lập phi lợi nhuận, VINPA xin có một số đánh giá về các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng xăng khoáng, NLSH đã và dự định sửa đổi, bổ sung như sau :
1. Tác động của Etanol tới chất lượng Xăng sinh học
Theo rất nhiều tài liệu công bố trên thế giới cho thấyEthanol là hợp chất chứa ôxy không độc hại với con người và môi trường được sử dụng pha vào xăng để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, cải thiện chất lượng khí thải của động cơ đối với các tỷ lệ pha Ethanol dưới 10%, giảm phát thải khí nhà kính, ozone.... Ethanol được sử dụng phổ biến ở một số nước trên thế giới với tỷ lệ phối trộn vào xăng khoáng ngày càng tăng để thay thế các phụ gia độc hại khác như MTBE, Methanol.
Mặt khác, Ethanol nhiên liệu cũng có một số nhược điểm như cần vùng nguyên liệu lớn, tiêu thụ nhiều nước sạch trong quá trình sản xuất; khi pha trên 10% Ethanol vào xăng thì phần lớn các động cơ cần có sự điều chỉnh, thay thế linh kiện phù hợp; mức tiêu hao nhiên liệu cao hơn xăng khoáng; yêu cầu điều kiện khắt khe hơn về độ sạch, độ kín của phương tiện tồn chứa, vận tải ....
Về mặt hóa học, liên kết O – H trong Ethanol có tính phân cực cao, hàm lượng oxy trong Ethanol lên tới 34,8% khối lượng nên khi được phối trộn với xăng khoáng (là hợp chất không phân cực hoặc phân cực yếu) thì Xăng sinh học thành phẩm sẽ có một số chỉ tiêu chất lượng khác biệt so với các xăng khoáng được sử dụng để phối trộn, trong đó quan trọng nhất là hàm lượng oxy (OC) và áp suất hơi Reid (RVP).
a. Áp suất hơi bão hòa (RVP)
Khi pha Ethanol với Xăng khoáng với tỷ lệ dưới 10% sẽ làm tăng áp suất hơi bão hòa của Xăng sinh học. Do là chỉ tiêu không phụ thuộc vào khối lượng nên mức tăng RVP của xăng sinh học không tuyến tính với lượng Ethanol phối trộn với xăng nền. RVP của NLSH sau phối trộn sẽ tăng dần đến khi đạt cực đại tại tỷ lệ pha trộn từ 5 – 7% Ethanol và sau đó giảm dần về RVP của Ethanol tinh khiết khi tăng tỷ lệ pha đến 100%. Theo tài liệu đã công bố trên thế giới thì mức tăng RVP tối đa khoảng 1 psi (xấp xỷ 7 kPa).
b. Hàm lượng ôxy
Khi pha Ethanol vào xăng khoáng sẽ làm tăng hàm lượng ôxy tổng của NLSH thành phẩm. Căn cứ vào công thức tính toán hàm lượng ôxy tổng tại tiêu chuẩn TCVN 7332 (ASTM D4815) cho thấy, khi phối trộn 5% thể tích Ethanol với xăng khoáng thì hàm lượng ôxy tổng của Xăng sinh học thành phẩm sẽ tăng thêm khoảng 1,8 % khối lượng.
2. Quy định về RVP và hàm lượng ôxy trong xăng của một số nước
Trên thực tế, các nước trên thế giới quy định tiêu chuẩn áp suất hơi bão hòa theo các mùa nóng, lạnh khác nhau phân chia theo vùng khí hậu, khả năng cung cấp và mục tiêu quản lý nhà nước về chất lượng xăng dầu.
- Khối các nước có nhiệt độ mùa đông lạnh (Nga, Canada, Châu âu, Hàn quốc) quy định áp suất hơi bão hòa, max từ 90-107 kpa.
- Các nước trong khu vực, lân cận Việt Nam (Trung quốc, Philipines, New Zealand) quy định RVP, max từ 80 – 88kpa. Đặc biệt đối với Trung quốc, sử dụng xăng Metanol (M5 và M15) mùa hè cho phép RVP 82-86 kPa. New Zealand cho phép mùa hè, mùa thu thì RVP, max từ 77-92 kpa.
- Đối với Việt Nam: Theo TCVN 5690:1998; 6776:2000 quy định áp suất hơi, max 80 kpa.
Qua số liệu trên cho thấy trước đây RVP của các nước đều quy định ở mức cao và sử dụng tương thích cho tất cả các phương tiện.
Về hàm lượng oxy, hiện quy định tối đa từ 2,9 – 4% khối lượng tùy thuộc vào loại xăng khoáng hoặc xăng sinh học (5-10% ethanol). Cá biệt đối với Trung quốc không quy định hàm lượng ôxy của xăng E10 (báo cáo) nhưng cho phép xăng nền có 0,5% khối lượng ôxy. Như vậy xăng E10 của Trung quốc có hàm lượng ôxy, max là 4,2% khối lượng. Đã có giai đoạn, OC được quy định giá trị tối thiểu, không hạn chế mức trần. Khi phát hiện MTBE, là hợp chất chứa oxy phổ biến có nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng nước mặt và nước ngầm, OC được giới hạn tối đa để từ đó hạn chế việc pha MTBE vào xăng. Như vậy, về bản chất, hạn chế oxy là để hạn chế MTBE. Một số quốc gia có tiêu chuẩn linh hoạt hơn, theo đó chỉ hạn chế MTBE (tối đa 10% thể tích) mà không hạn chế OC, nhất là oxy từ các phụ gia thân thiện môi trường như Ethanol.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy các phương tiện và động cơ đều tương thích với xăng có pha 10% etanol; theo lộ trình quy định sử dụng xăng sinh học của Việt Nam (Quyết định 53/2012/QĐ-TTg) thì đến 2016 sẽ đưa vào sử dụng xăng sinh học E10. Việc pha Ethanol vào xăng đương nhiên làm tăng RVP (tối đa không quá 7 kPa) và OC. Tham chiếu quy định hiện hành đối với xăng khoáng, xăng E5 và Xăng E10 thấy rằng các chỉ tiêu kỹ thuật cho 3 loại xăng này là hoàn toàn giống nhau, ngoại trừ chỉ tiêu hàm lượng ôxy của xăng E10 quy định max 3,7% khối lượng như vậy là chưa phù hợp với thực tiễn tạo nguồn xăng khoáng và pha chế xăng sinh học tại Việt Nam. Điều quan trọng mức độ tăng RVP và OC đều hoàn toàn nằm trong khả năng sử dụng của động cơ và không có ảnh hưởng xấu gì đến môi trường và sức khỏe con người.
Để đồng bộ với việc không xây dựng QCVN, TCVN về xăng khoáng nền sử dụng để phối trộn tạo Xăng sinh học E5, tránh những lãng phí không cần thiết cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, theo quan điểm của VINPA việc điều chỉnh lại hai chỉ tiêu RVP và OC trong TCVN, QCVN về chất lượng NLSH theo hướng nới giới hạn tối đa là cần thiết và hợp lý. Mức điều chỉnh cụ thể cần được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu đề xuất để các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan thẩm định, phê duyệt.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)