VINPA tổ chức Hội nghị đánh giá thị trường xăng dầu đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ đến hết năm 2022
09:31 SA @ Thứ Bảy - 16 Tháng Tư, 2022

Ngày 14/4/2022, tại Hà Nội, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Đánh giá thị trường xăng dầu đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ đến hết năm 2022” với sự tham gia của các hội viên, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan thông tấn, báo chí. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chủ trì hội nghị.

Ảnh toàn cảnh hội nghị

Mở đầu Hội nghị, thay mặt Ban Chấp hành, Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội đã trình bày báo cáo tổng quan về diễn biến thị trường xăng dầu thế giới những tháng đầu năm 2022, đồng thời dự báo xu hướng giá dầu thế giới trong thời gian tới. Báo cáo cũng nêu bật những hoạt động của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kể từ đầu năm đến nay và đưa ra chương trình hoạt động của VINPA từ nay đến cuối năm.

Phó Chủ tịch Thương trực Trịnh Quang Khanh trình bày báo cáo

Tiếp theo chương trình, Ông Bùi Ngọc Bảo đã trao giấy chứng nhận hội viên cho các đơn vị mới gia nhập Hiệp hội: Công ty Cổ phần Thiết bị Xăng dầu Petrolimex (Peco); Công ty TNHH Hùng Hậu, Công ty Cổ phần Madin Chem; Công ty Cổ phần Ô tô Vũ Linh.

Đại diện các hội viên mới nhận Giấy chứng nhận

Tham dự hội nghị, Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức Hàng hóa Việt Nam, thuộc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã có những phân tích chuyên sâu về giá xăng dầu từ đầu năm tới nay và giới thiệu về các công cụ bảo hiểm giá nhằm giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trước những biến động khó lường của giá dầu thế giới. Ông Mike Wittner, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Dầu toàn cầu của Sở giao dịch liên lục địa ICE cho biết giá xăng Singapore là giá tham chiếu đối với thị trường châu Á, và có diễn biến tương đồng với sản phẩm dầu ít lưu huỳnh trên Sở ICE, nên hoàn toàn có thể bảo hiểm giá thông qua Sở giao dịch hàng hóa tập trung như Sở ICE và MXV.

Ông Phạm Quang Anh chia sẻ về công cụ bảo hiểm giá

Ông Mike Wittner phát biểu tại hội nghị

Với tư cách là hội viên mới của Hiệp hội, Công ty Cổ phần Madin Chem, đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm phụ gia ô tô hàng đầu tại Việt Nam đã mang tới cho hội nghị một giải pháp xử lý khí thải cho động cơ diesel (Adblue) với công nghệ được chuyển giao từ Đức.Đây là chất phụ gia giúp các phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mức 5, giảm tới 85% lượng Nox trong khí thải đồng thời giảm mức tiêu thụ 5% mà không làm giảm công suất động cơ.

Ông Nguyễn Minh Trí đại diện Madin Chem giới thiệu về Công ty

Cũng tại hội nghị, Công ty Cổ phần Ô tô Vũ Linh, một nhà cung cấp lớn về các mẫu xe chở xăng dầu đủ kích cỡ cho biết, Công ty đã cung ứng các sản phẩm của mình tới một loạt các doanh nghiệp xăng dầu như Petrolimex, HFC, APP, Thiên Minh Đức Nghệ An,… Đồng thời bày tỏ mong muốn có cơ hội hợp tác với các thành viên của VINPA.

Ảnh: Ông Nguyễn Tiến Minh,Tổng Giám đốcCông ty Cổ phần Ô tô Vũ Linh

Nối tiếp chương trình, cùng với nhận định rằng giá xăng dầu chưa bao giờ có biến động lên xuống gần chục USD/ngày như thời gian gần đây, Ông Bùi Ngọc Bảo đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của bảo hiểm giá trong kinh doanh xăng dầu nhưng cũng khuyến khích các doanh nghiệp cần hiểu đúng về công cụ này, không nên quá lạm dụng như một hình thức đầu cơ.

Tới phiên thảo luận, Chủ tịch VINPA đã đưa ra 3 vấn đề chính để các đại biểu tham dự cùng cho ý kiến. Một là những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng hóa đơn điện tử kể từ ngày 1/7/2022 tới đây. Hai là những ý kiến xung quanh việc điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức. Ba là vấn đề liên quan đến việc thực hiện Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 49).

Đại diện cho các thương nhân phân phối, Ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xăng dầu Tự lực I cho biết Hà Nội đã thực hiện thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử từ quý IV/2021 tuy nhiên chưa bắt buộc tất các các giao dịch đều phải xuất hóa đơn điện tử. Ông cũng nhận định rằng việc các doanh nghiệp buộc phải phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán kể từ 1/7/2022 là điều vô cùng khó khăn và khó thực hiện được do một ngày mỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội và TP.HCM đều phát sinh đến hàng nghìn giao dịch. Do đó, Ông Tiu đề xuất giải pháp khả thi hơn là chỉ phát hành hóa đơn cho khách hàng nào có nhu cầu, còn đối với các khách hàng còn lại sẽ tổng hợp và cập nhật lên bảng kê để gửi về cơ quan thuế vào cuối ngày.

Về việc thực hiện Quyết định số 49, thương nhân phân phối này cho biết do hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội đều có diện tích quá nhỏ nên khó có thể chứa cùng lúc nhiều bồn bể để bán đa dạng các chủng loại xăng dầu. Nếu muốn thì phải cải tạo cửa hàng và bố trí thêm bồn bể trong khi hiện nay rất khó để xin được giấy phép cải tạo.

Ông Nguyễn Văn Tiu tham luận tại hội nghị

Cũng đồng tình với ý kiến trên, Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) kiến nghị Bộ Công Thương nên có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức các mặt hàng ở các mức khí thải khác nhau cho phù hợp, để doanh nghiệp có cơ sở pháp lý khi làm việc với các cơ quan thanh tra, kiểm tra vì việc một cửa hàng bán lẻ xăng dầu bán được đầy đủ các loại xăng dầu từ mức 2 đến mức 5 là rất khó khả thi và phát sinh nhiều chi phí, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Liên quan đến chi phí kinh doanh định mức, lãnh đạo cả hai doanh nghiệp này đều cho biết mức chi phí hiện tại đã khác rất nhiều so với chi phí hình thành trong giá cơ sở, không đủ cho doanh nghiệp cả các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trong bối cảnh lạm phát tăng và giá cước vận tải tăng cao theo giá xăng, nhiều thời điểm các thương nhân phân phối phải nhập hàng với mức chiết khấu hoa hồng bằng 0, càng bán càng lỗ. Ngoài ra, ông Toàn cũng cho biết, mức chi phí hiện nay mà doanh nghiệp đầu mối quan tâm chính là chi phí tạo nguồn, và đây cũng chính là yếu tố ảnh hưởng đến mức chiết khấu cho hệ thống phía dưới.

Ông Nguyễn Anh Toàn phát biểu tại hội nghị

Trên cương vị là một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở Quảng Ninh, Ông Trần Xuân Là, Giám đốc Công ty TNHH Petro Bình Minh chia sẻ, hiện Quảng Ninh đã áp dụng hóa đơn điện tử nhưng hiện đang thực hiện theo phương thức là nếu khách hàng cần hóa đơn thì sẽ in, còn không thì sẽ cập nhật vào cuối ngày. Đối với các khách hàng quen ký hợp đồng với công ty, ông cho biết trước khi thay đổi giá sẽ ký hóa đơn một lần. Theo đánh giá của Ông Là, trong trường hợp này, không nhất thiết phải cấp hóa đơn theo từng lần bóp cò mà sẽ chỉ viết một hóa đơn kèm theo bảng kê chi tiết. Ví dụ, đơn vị vận tải có 20 xe tải liên tục nhập xăng dầu của Công ty thì sẽ gom số lượng nhập vào cùng một hóa đơn thay vì bơm xong cho một xe lại viết một hóa đơn, gây lãng phí nguồn lực. Ông cũng cho biết, hiện chỉ tính riêng chi phí nhân công tại các cửa hàng xăng dầu của Công ty đã hơn 500 đồng/lít, chưa kể các chi phí khác khiến doanh nghiệp này vô cùng khó khăn.

Ảnh: Ông Trần Xuân Là, Giám đốc Công ty TNHH Petro Bình Minh phát biểu tại hội nghị

Theo thông tin được cập nhật từ Ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên, Phó Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB), hiện tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang hoạt động với công suất 100%, hàng đã đầy kho. Đơn vị cũng đã có thông báo về kế hoạch giao hàng trong tháng 4 và tháng 5 cho các doanh nghiệp đầu mối.

ÔngHuỳnh Nguyễn Bạch Tuyên, Phó Giám đốc PVNDB tham luận tại hội nghị

Phản hồi về phát biểu của PVNDB, Chủ tịch VINPA bày tỏ mong muốn phía PVNDB cung cấp thêm thông tin cho các doanh nghiệp đầu mối về công suất của Nhà máy cũng như khả năng tiếp tục cung cấp hàng cho các doanh nghiệp theo hợp đồng ký kết trong tháng 6 tới đây. Đồng thời khẳng định rằng đây là thông tin rất quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp trong việc cân đối đảm bảo nguồn hàng mà còn đối với các kịch bản điều hành của Bộ Công Thương.

Anh Nguyễn Minh Trí, đại diện cho Công ty CP Madin Chem cho biết hiện tại đã có công nghệ hỗ trợ cho việc xuất hóa đơn như công nghệ nhận diện biển số xe và xuất hóa đơn tự động.

Tiếp nối chương trình, Ông Phạm Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội (nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội đánh giá rằng việc xuất hóa đơn cho mỗi lần bán hàng là không khả thi. Ông cũng nhận định, nếu xét về xăng E5 thì Quyết định 53/2012/QĐ-TTg của chính phủ về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã thực sự không mang lại hiệu quả cả về mặt môi trường do tỷ lệ etanol quá thấp (chỉ 5%) và cả về mặt kinh tế do khi giá xăng ở mức 60-80USD/thùng thì mua cồn còn đắt hơn xăng khoáng. Do đó, ông kiến nghị Hiệp hội có ý kiến với Chính phủ xem có nên tiếp tục kinh doanh xăng E5 nữa hay không.

Ông Phạm Đức Thắng chia sẻ ý kiến tại hội nghị

Bên cạnh kiến nghị ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu kỹ thuật đối với xăng dầu mức 5, Ông Thắng còn đề xuất với Bộ Công Thương việc công bố giá của các mặt hàng này. Về chi phí, các chi phí này được quy định đối với các đầu mối nhưng sẽ ảnh hưởng đến một loạt các hệ thống phía sau, chi phí tốt sẽ tốt cho cả hệ thống hạ nguồn. Nói cách khác, chỉ khi doanh nghiệp được tăng chi phí kinh doanh định mức thì mức chiết khấu cho các thương nhân và toàn hệ thống mới được đảm bảo. Cũng tại hội nghị này, ông cũng đề nghị doanh nghiệp có ý kiến với các cơ quan nhà nước có những chính sách cụ thể để hiện thực hóa và khuyến khích thanh toán mua xăng dầu không dùng tiền mặt.

Sau khi lắng nghe các ý kiến tham luận của hội viên, Chủ tịch VINPA đã bổ sung thêm một số ý kiến cụ thể để đề xuất với đại diện của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Đối với việc thực hiện hóa đơn điện tử, theo đánh giá, muốn tất cả các cột bơm đều ghi nhận mọi giao dịch để kết nối về cơ quan thuế thì cần phải đảm bảo đầu ra về tín hiệu, sẽ tốn chi phí đầu tư khoảng 1-1,5 triệu cho mỗi cột bơm. Ông cũng cho rằng đây là chủ trương của cơ quan thuế để kiểm soát đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp, chống buôn lậu nên cơ quan này cần có sự hỗ trợ về kinh phí trang bị cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp. Ông Bảo cũng đề nghị Liên Bộ Công Thương – Tài chính niêm yết công khai và rõ ràng về công thức tính giá cũng như các số liệu của mỗi kỳ điều chỉnh giá. Đồng thời, cần bóc tách riêng chi phí từ thương nhân phân phối về cửa hàng bán lẻ sau đó cộng thêm với các chi phí từ đầu mối (chi phí tạo nguồn, vận tải,…) để có được mức chi phí kinh doanh định mức trong kết cấu giá cơ sở. Lãnh đạo VINPA cũng nhận định rằng quy định thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng nhập khẩu (trong đó có xăng dầu) mới đây của HĐND TP.HCM sẽ khiến các doanh nghiệp phát sinh thêm gánh nặng tài chính và bày tỏ băn khoăn liệu chi phí này có được cộng thêm vào giá cơ sở hay không. Ông cũng đề cập đến sự cần thiết phải thành lập Hội Bán lẻ Xăng dầu ở các địa phương, theo đó các Hội cử người đại diện tham gia Hiệp hội để những kiến nghị của Hiệp hội sẽ thêm phần thực tiễn và khách quan.

Trước khi kết thúc hội nghị, Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực VINPA đã thông qua Nghị Quyết của hội nghị với tỷ lệ 100% đại biểu tán thành.

Nguồn: