"Xả" hay không "xả" Quỹ bình ổn
07:29 SA @ Thứ Sáu - 13 Tháng Mười Hai, 2013
Trong mấy ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải một số bài viết có liên quan đến quyết định “xả” Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Bộ Tài chính. 

Bài "Xả sớm Quỹ bình ổn, dân thiệt 12 tỷ/ngày" - Báo Vietnamnet

Bài "Bộ Tài chính khẳng định điều hành xăng dầu đúng quy định" - Báo Người Lao động.

Bài "Bộ Tài chính “phản pháo” về điều hành giá xăng" - Báo Info.net

Về vấn đề này, chúng tôi có ý kiến như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào luật định hiện hành, không có một điều luật nào quy định tần suất sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tại Điểm c Khoản 1 Điều 27 Nghị định 84/2009/NĐ-CP chỉ quy định thời gian điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày dương lịch.

Thứ hai, việc sử dụng Quỹ bình ổn theo quyết định trước ba ngày của Bộ Tài chính không thể làm dân thiệt hại 12 tỷ đồng/ngày và khiến cho các doanh nghiệp đầu mối hưởng lợi thêm 12 tỷ/ngày như một số bài báo đã đưa tin. Theo Liên bộ Tài chính - Công Thương, giá cơ sở tại thời điểm “xả” Quỹ lớn hơn giá bán lẻ 467 đồng/lít xăng, vì  thế  để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị lỗ do cơ chế chỉ còn hai giải pháp:

1-Các doanh nghiệp đầu mối tăng thêm 467 đồng cho mỗi lít xăng theo đúng tinh thần Nghị định 84/2009/NĐ-CP.

2-Bộ Tài chính phải sử dụng công cụ Quỹ để bình ổn giá bán lẻ xăng dầu.

Trước những thông tin nói trên, Bộ Tài chính khẳng định việc “xả” Quỹ của mình là đúng quy định hiện hành. 

Sau đây là quan điểm của chúng tôi về quyết định “xả” Quỹ này của Bộ Tài chính:

Tại Khoản 1 Điều 5 trong Thông tư 234/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu quy định: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt bảy phần trăm (> 7%) đến mười hai phần trăm (≤ 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến bảy phần trăm (≤7%) cộng (+) thêm sáu mươi phần trăm (60%) của mức chênh lệch giá tính từ tỷ lệ giá cơ sở tăng vượt bảy phần trăm (> 7%) đến tỷ lệ tăng thực tế trong phạm vi tăng vượt 7% đến mười hai phần trăm (≤ 12%); bốn mươi phần trăm (40%) còn lại được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và Liên bộ Tài chính - Công Thương cho thấy các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tại các thời điểm nhạy cảm đó (26/11 và 5/12 năm 2013) chỉ tăng 1,9% và điều đó cho thấy cần phải xem xét lại quyết định xả Quỹ bình ổn của Bộ Tài chính. 
Nếu theo đúng quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP (cho đến nay vẫn còn hiệu lực) thì trong trường hợp này, các doanh nghiệp đầu mối được phép tăng giá bán lẻ tương ứng với 1,9% (khoảng 467 đồng/lít xăng) và Bộ Tài chính không được phép “xả” Quỹ bình ổn theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 nói trên.

Nhưng tại Khoản 4 Điều 5 của Thông tư 234/2009/TT-BTC lại có thêm một quy định: “Trường hợp việc tăng giá xăng dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương quyết định công bố các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành chính sách thuế, việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá và các biện pháp kinh tế hành chính khác theo quy định của pháp luật hiện hành”

Theo nội dung điều khoản nói trên, việc “xả” Quỹ bình ổn của Bộ Tài chính là đúng luật định hiện hành nếu:

- Bộ Tài chính chứng minh được các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng 1,9%  đã cótác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân tại hai thời điểm 26/11 và 05/12 năm 2013.

-Đã có sự thống nhất bằng văn bản giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về quyết định “xả” Quỹ. 

Tuy vậy, ngay cả khi Bộ Tài chính hội đủ hai yêu cầu nói trên, quan điểm của chúng tôi là không nên lạm dụng nguồn Quỹ có giới hạn này vào việc bình ổn giá vì mục tiêu rất không rõ ràng là hạn chế bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Việc quá lạm dụng các công cụ bình ổn giá nói chung và Quỹ bình ổn nói riêng của Bộ Tài chính trong thời gian qua, một mặt khiến giá bán lẻ xăng dầu bị bóp méo, không phản ảnh trung thực bức tranh thị trường xăng dầu thế giới và khu vực; mặt khác nếu quá lạm dụng Quỹ bình ổn thì tới thời điểm xảy ra biến động lớn thực sự ảnh hưởng tới an sinh xã hội thì không còn đủ quỹ để thực hiện mục tiêu tối thượng này. Nếu các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục sử dụng các biện pháp hành chính như trong thời gian qua để điều hành giá xăng dầu sẽ dẫn tới những bức xúc và nghi ngờ tính minh bạch không đáng có trong xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ý kiến chúng tôi, đã đến lúc trong các văn bản pháp quy không nên có những điều khoản “không rõ ràng” và “ định tính” như vậy, bằng không tính minh bạch trong hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động xăng dầu nói riêng sẽ không bao giờ được thực hiện. Có phải chăng chính những điều khoản mập mờ thiếu rõ ràng này (vận dụng thế nào cũng được) chính là mảnh đất màu mỡ cho những vấn nạn tham nhũng hoành hành đất nước trong thời gian qua?      

Chúng tôi hoàn toàn ý thức được rằng câu chuyện bình ổn giá nói chung và nhất là giá xăng dầu nói riêng hoàn toàn không đơn giản. Nó đòi hỏi chúng ta phải có một đội ngũ chuyên gia thực sự có trình độ, không chỉ am hiểu các vấn đề vi mô và vĩ mô mà còn phải thực sự có tâm với đất nước như chúng tôi đã có dịp trình bày ở những bài viết trước đây. Theo ý kiến nhiều chuyên gia thì đó chính là cái mà hiện nay đất nước chúng ta đang rất thiếu?.